CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 60 NĂM THÀNH LẬP VÀ 20 NĂM TÁI LẬP HUYỆN TÂY GIANG

pte1

 

Ngày 20/6/2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 72/2023/NĐ-CP về việc chia tách huyện Hiên thành các huyện Đông Giang và Tây Giang, huyện Trà My thành huyện Bắc Trà My và Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Tây Giang là huyện có vị trí địa lí quan trọng; phía Bắc giáp huyện Alưới và Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên Huế), phía Đông giáp huyện Đông Giang, phía Nam giáp huyện Nam Giang và phía Tây giáp huyện Kạ Lừm và Đăk Chưng (tỉnh Sê Koong, nước CHDCND Lào). Với tổng diện tích tự nhiên là 91.368,3 ha, có 10 đơn vị hành chính xã gồm: Ch’ơm, Gari, Axan, Tr’hy, Lăng, Atiêng, Anông, Bha lêê, Avương và Dang: trong đó 08 xã biên giới với 76 km đường biên giáp với nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Toàn huyện có 63 thôn với 115 khu dân cư: dân số có 5.490 hộ/21.409 khẩu (tính đến năm 2022), gồm 14 dân tộc anh em đang sinh sống, trong đó dân tộc Cơtu chiếm trên 95%.

Là một huyện còn non trẻ, Tây Giang là vùng đất bên bờ phía Tây sông Avương, là một huyện miền núi cao thuộc tỉnh Quảng Nam, có lịch sử định cư khá sớm của tộc người Cơtu và gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Huyện Bến Hiên được thành lập vào ngày 01 tháng 10 năm 1950, gồm một số xã của huyện Đông Giang và 10 xã của huyện Tây Giang ngày nay. Đến tháng 6 năm 1960, trên cơ sở hợp nhất các huyện Bến Hiên, Bến Giằng, Hải Nam và một số xã miền Tây Hòa Vang để thành lập huyện Thống Nhất thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Sau khi tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng được chia tách thành tỉnh Quảng Nam và Quảng Đà, huyện Thống Nhất thuộc tỉnh Quảng Đà.

Huyện Thống Nhất được chia tách vào ngày 10 tháng 3 năm 1963, để thành lập 3 huyện: Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang; thời điểm này huyện Tây Giang gồm 13 xã: Ch’ơm, Bha’lêê, Axan, Tr’hy, Ating, Alăng, Atiêng, Anông, Avương, K’nung, Coong C’ghiar, Arooi, Dang.

Ngày 17 tháng 11 năm 1974, Tỉnh ủy Quảng Đà ra Quyết nghị số 15-NQ/TV hợp nhất huyện Đông Giang và Tây Giang thành huyện Hiên, nhằm điều chỉnh địa giới phù hợp với tình hình cách mạng. Đến ngày 20 tháng 6 năm 2003, Chình phủ ban hành Nghị định số 72/2003/NĐ-CP về việc tách huyện Hiên để tái lập lại hai huyện Đông Giang và Tây Giang trực thuộc tỉnh Quảng Nam. Theo đó, Tỉnh ủy Quảng Nam đã ban hành Quyết định số 599-QĐ/TU ngày 16 tháng 7 năm 2003 về việc thành lập Đảng bộ và chỉ định Ban chấp hành lâm thời Đảng bộ huyện Tây Giang. Kể từ ngày 18 tháng 7 năm 2003, Đảng bộ huyện Tây Giang chính thức hoạt động, cùng với đó tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị trong huyện được hình thành và đi vào hoạt động.

Ngày 06 tháng 8 năm 2003, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam đã long trọng tổ chức lễ công bố Nghị định 72 của Chính phủ. Đến ngày 08 tháng 9 năm 2003, cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang huyện Tây Giang chuyển lên công tác tại huyện mới. Huyện Tây Giang được tái lập, đánh dấu một sự kiện quan trọng của lịch sử huyện nhà, ngày mà Tây Giang trở về với tên gọi địa giới hành chính trước đây.

Tại kỳ họp thứ 7, Hội đồng nhân huyện, nhiệm kỳ 2016-2021 đã xác định lấy ngày 10 tháng 3 năm 1963 là ngày thành lập huyện và lấy ngày 06 tháng 8 năm 2003 là ngày công bố tái lập huyện.

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, Tây Giang là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, Nhân dân vừa chinh phục thiên nhiên vừa chống giặc ngoại xâm bảo vệ quê hương, đất nước. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc, Tây Giang là địa bàn chiến lược và là căn cứ cách mạng quan trọng, Nhân dân Tây Giang đã đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến, cùng với cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Để ghi nhận sự đóng góp to lớn của Nhân dân huyện nhà trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, Đảng bộ và Nhân dân Tây Giang cùng 9 xã của huyện (Avương, Anông, Atiêng, Lăng, Dang, Tr’hy, Axan, Ch’ơm, Gari) đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, có 08 cá nhân được phong tặng và trao tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, có 06 mẹ được phong tặng danh hiệu “Mẹ Việt Nam anh hùng” và nhiều phần thưởng cao quý khác của Đảng và Nhà nước trao tặng cho các tập thể và cá nhân.

Tiếp nối truyền thống quý báu đó, Đảng bộ, Nhân dân và lực lượng vũ trang huyện nhà tiếp tục phát huy trong công cuộc xây dựng quê hương hiện nay. Từ khi tái lập huyện đến nay, Đảng bộ và nhân dân huyện nhà đã đoàn kết một long, khai thác tốt mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội; giữ vững quốc phòng-an ninh; xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. Với sự kiện lịch sử Tây Giang được tái lập đã mở ra thời kì phát triển mới đối với Đảng bộ và nhân dân Tây Giang.

Khi mới tái lập huyện, xuất phát điểm về kinh tế-xã hội còn thấp, kết cấu hạ tầng hầu như chưa có gì (nhất là về giao thông, điện, trường học, trạm y tế, …), các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể đều phải trưng dụng tạm thời cơ sở vật chất tại xã Lăng để hoạt động và nhiều cơ quan, đơn vị phải mượn nhà của Nhân dân để làm trụ sở hoạt động; nguồn cán bộ, công chức, viên chức thiếu về số lượng và chất lượng chưa đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ đặt ra. Nguồn tài chính hạn hẹp, đầu tư cho phát triển hạn chế, chủ yếu từ nguồn ngân sách cấp trên, chưa có tích lũy từ nội bộ kinh tế; trình độ dân trí còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo rất cao, thu nhập của người dân không đáng kể, chủ yếu sản xuất mang tính tự cung tự cấp…

Trong 20 năm qua, Tây Giang tiếp tục kế thừa những kết quả đạt được trong những năm trước đây của huyện Hiên. Được sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh Quảng Nam, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Tây Giang đã phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết thống nhất và trên cơ sở nhận thức đúng đắn những thời cơ, thuận lợi, thể hiện quyết tâm chính trị đề ra những quyết sách kịp thời với những bước đi phù hợp, sáng tạo, vững chắc để từng bước vượt qua khó khan, thách thức, đưa huyện từ điểm xuất phát thấp, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, kết cấu hạ tầng yếu kém, đời sống đại bộ phận Nhân dân còn rất nhiều khó khăn, đến nay huyện nhà đã có bước chuyển mình đáng kể, bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều khởi sắc, đời sống Nhân dân được cải thiện rõ rệt.

Với những thành tích đạt được trong 20 năm xây dựng và phát triển, Nhân dân và cán bộ huyện đã được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba vào năm 2013, Huân chương lao động hạng Nhì vào năm 2018. Đây là sự động viên, tiếp thêm sức mạnh để Đảng bộ và Nhân dân Tây Giang tiếp tục vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Nguồn: Ban Tuyên Giáo Huyện ủy Tây Giang


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: